Tiền mã hóa – Xu hướng tất yếu trong nền kinh tế số?

Lược sử các hình thái tiền

Để có thể hiểu về bitcoin, trước tiên cần phải hiểu về tiền tệ, và để hiểu về tiền tệ, không có cách nào khác ngoài việc nghiên cứu về chức năng và lịch sử của nó.

“Tiền hàng”: Tiền ra đời xuất phát từ nhu cầu trao đổi giá trị của con người. Hình thái sơ khai nhất của tiền là “tiền hàng”. Trong nền kinh tế sơ khai, khi nhu cầu của con người còn đơn giản, họ trao đổi giá trị thông qua trao đổi hàng hóa với nhau, quá trình trao đổi trực tiếp này được gọi là sự trao đổi hiện vật, nhưng nó chỉ thiết thực trong phạm vi nhỏ với số lượng ít hàng hóa và dịch vụ được sản xuất. Trong một nền kinh tế lớn và phức tạp hơn, cơ hội nảy sinh cho các cá nhân để chuyên môn hóa sản xuất hàng hóa và trao đổi chúng với nhiều người hơn, và con người phải đối mặt với một khó khăn – những thứ bạn muốn có lại được sản xuất bởi người không muốn trao đổi với những thứ bạn có. “Tiền hàng” sẽ bị giới hạn về quy mô, khối lượng, không gian và về mặt thanh toán.

“Tiền vàng”: Vàng có ưu điểm hơn hẳn các kim loại khác trong việc thực hiện các chức năng của tiền tệ ở chỗ có tính đồng nhất cao, tạo thuận lợi cho việc đo lường, biểu hiện giá cả hàng hóa trong quá trình trao đổi. Vàng dễ phân chia mà không ảnh hưởng đến giá trị vốn có của nó. Ngoài ra, so với “tiền hàng”, “tiền vàng” dễ mang theo (chỉ cần 1 trọng lượng nhỏ của vàng cũng có thể mua được một khối lượng hàng hóa lớn), thuận tiện cho việc thực hiện chức năng cất trữ của tiền tệ (ít bị hao mòn). Tuy nhiên, “tiền vàng” cũng có những nhược điểm nhất định, đó là cùng với thời gian, do sự khan hiếm dẫn đến giá trị của vàng lớn đến mức khó có thể chia nhỏ ra để tiến hành mua bán thông thường. Sản xuất hàng hóa ngày càng phát triển, trên thị trường cần có một khối lượng vàng để đúc tiền, việc khai thác vàng ngày càng khó khăn, hiếm dẫn đến không đủ khối lượng vàng để đưa vào lưu thông trao đổi.

“Tiền giấy”: đây có thể coi là bước phát triển có nhiều tiến bộ trong xã hội. Dễ mang theo làm phương tiện thanh toán trao đổi. Thuận tiện khi thực hiện chức năng phương tiện dự trữ của cải dưới hình thức giá trị. Bằng cách thay đổi các con số trên mặt đồng tiền, một lượng giá trị lớn hay nhỏ được biểu hiện. Bằng chế độ độc quyền phát hành giấy bạc với những quy định nghiêm ngặt của Chính phủ, tiến giấy có thể giữ được giá trị hàng hóa. Với trình độ sản xuất ngày càng phát triển, khối lượng hàng hóa dịch vụ đưa vào lưu thông ngày nhiều thì việc trao đổi mua bán hàng hóa bằng tiền giấy nhiều khi trở nên bất tiện, không đảm bảo tính kịp thời trong trao đổi tiền qua lại giữa người mua và người bán. Chi phí quản lý, chi phí lưu thông tốn kém nhất là những nước sử dụng khối lượng tiền giấy lớn thì quá trình hạch toán càng trở nên phức tạp. Bên cạnh đó việc sử dụng tiền giấy dễ dẫn đến tình trạng lạm phát, việc tích trữ giá trị của người dân bằng đồng tiền giấy pháp định của mỗi quốc gia gần như không hiệu quả.

“Tiền số pháp định”: Là tiền điện tử đã được chính phủ công nhận. Đây là loại tiền rất phổ biến hiện nay và được lưu trữ trong ATM, tài khoản ngân hàng, ví điện tử,… Chủ sở hữu cũng có thể sử dụng tiền số pháp định để đổi sang tiền giấy truyền thống. Tiền số pháp định có ưu điểm là thanh toán nhanh, không cần tiền mặt, không cần soạn thảo và viết giấy tờ. Tuy nhiên nó lại có nhược điểm là việc sử dụng đòi hỏi phải có hệ thống công nghệ thông tin phát triển và mở rộng, dễ bị mất cắp nhất là trong trường hợp bị lộ mã số pin (mã số bí mật của thẻ ngân hàng cấp cho khách hàng đăng ký sử dụng thẻ). Việc dùng tiền số pháp định thuận tiện và giảm chi phí hơn so với tiền giấy pháp định nhưng vấn đề lạm phát vẫn chưa được giải quyết cho người sử dụng tiền số pháp định là tài sản tích trữ.

“Tiền mã hóa”: Tiền mã hóa là gì? Nền tảng của tiền mã hóa là mật mã học máy tính và công nghệ blockchain (công nghệ chuỗi khối). Tiền mã hóa dựa trên nền tảng blockchain nên không bị chi phối bởi chính phủ. Do hoạt động dưới hình thức ẩn danh nên tính bảo mật cao và không cần qua bên trung gian thứ 3.

Giải thích tiền mã hóa

Một số người vẫn mơ hồ về các khái niệm tiền ảo (virtual money) và tiền mã hóa (Crytocurrency). Cần có sự phân biệt hai loại tiền này, cụ thể:

Tiền ảo (virtual money): Là loại tiền được phát hành và quản lý bởi các tổ chức và doanh nghiệp. Tuy nhiên, tiền ảo không được chính phủ công nhận. Chúng thường được sử dụng dưới những hình thái như: Xu trong game, coin, token,… Mục đích là để mua, bán, trao đổi vật phẩm game, trade coin hoặc giao dịch trên các trang thương mại điện tử chấp thuận tiền ảo.

Tiền mã hóa (Crytocurrency): Đây là một nhánh của tiền ảo, điển hình là đồng bitcoin. Tiền mã hóa dựa trên nền tảng blockchain nên không bị chi phối bởi chính phủ. Do hoạt động dưới hình thức ẩn danh nên tính bảo mật cao và không cần qua bên trung gian thứ 3. Các giao dịch được đăng ký trong một quyển sổ cái và để duy trì tính bất biến của chúng, sổ cái sẽ được chia sẻ bởi vô số các bên liên quan; hơn nữa, việc kiểm soát các quy tắc cơ bản để quản lý giao dịch (ví dụ: để đảm bảo rằng một khoản tiền không thể được chi tiêu hai lần) cũng được điều hành bởi vô số các bên liên quan. Tất cả các quy trình, chiến lược quản trị và thuật toán này tạo thành một blockchain (chuỗi khối) hoặc DLT (công nghệ sổ cái phân tán).

Ưu điểm của tiền mã hóa trong nền kinh tế số

– Tiền mã hóa giúp các giao dịch kinh tế diễn ra nhanh chóng. Người sử dụng tiền mã hóa có thể nhận tiền và chuyển tiền mọi lúc mọi nơi một cách nhanh chóng. Nói cách khác việc sử dụng tiền mã hóa giúp bạn có thể thực hiện giao dịch ở bất kỳ thời điểm nào, không gian nào, không bị hạn chế bởi thời gian duyệt chi của các ngân hàng cũng như không chịu sự tác động của biến động tỷ giá khi chuyển tiền tới các quốc gia khác. Do đó, tiền mã hóa sử dụng công nghệ blockchain có thể được xem là một loại hình tổ chức mới vì nó bắt chước các đặc điểm của các tổ chức truyền thống nhưng có được sự tin tưởng của người dùng không phải từ cách truyền thống hay quyền lực tập trung mà là của sự kiểm tra và cân bằng giữa các bên tham gia hệ thống.

– Phí giao dịch của tiền mã hóa thấp. Chi phí giao dịch của tiền mã hóa hầu hết là miễn phí hoặc phí rất thấp. Việc mã hóa tiền và công nghệ chuỗi khối giúp cho các giao dịch qua hệ thống internet gần như ngay tức khắc, không bị kiểm soát bởi bất kỳ một trung gian thanh toán nào.

– Một ưu điểm của tiền mã hóa nữa là tính an toàn, bảo mật. Thông tin của khách hàng sẽ được bảo mật một cách tốt nhất. Với công nghệ chuỗi khối, việc gian lận sẽ được hạn chế và không phải phụ thuộc vào bên trung gian (hiện nay tiền số pháp định cũng rất thuận tiện nhưng tính bảo mật không cao do thông tin được định danh ngay từ khi lập tài khoản). Tiền mã hóa được sinh ra trong môi trường công nghệ số nên phương thức vận hành được đảm bảo trên nền tảng hệ thống chuỗi khối, có ưu điểm chuyển thông tin thành dữ liệu số, đảm bảo việc bảo vệ thông tin qua ba tầng: Số hiệu của “khối”; Bằng chứng công việc – đóng góp; Biểu quyết theo đa số. Giống như tiền mặt, người dùng có thể giữ tiền mã hoá bên ngoài các ngân hàng thương mại mà vẫn có thể thanh toán tại các siêu thị, hàng ăn, khách sạn, đảm bảo độ ẩn danh cần thiết.

– Việc phát triển tiền mã hóa sẽ thúc đẩy phát triển ngành thương mại điện tử: Sử dụng tiền mã hóa để mua sắm trực tuyến đang rất phổ biến hiện nay. Điều này đã thúc đẩy phát triển song song giữa tiền mã hóa và thương mại điện tử.

– Sử dụng tiền mã hóa đảm bảo tính minh bạch: Với công nghệ chuỗi khối (blockchain), mọi thông tin giao dịch đều được lưu trữ trong chuỗi khối. Một công nghệ cực kỳ khó có thể can thiệp thay đổi thông tin giao dịch bởi một chủ thể nào đó. Do đó, 2 bên giao dịch hoàn toàn có thể xác minh và theo dõi tiền mã hóa một cách dễ dàng và nhanh chóng.

Những rủi ro khi sử dụng tiền mã hóa?

Tuy nhiên, việc sử dụng tiền mã hóa cũng mang lại những thách thức không nhỏ cho các nhà hoạch định chính sách cũng như về phía người sử dụng cùng cần có những chú ý nhất định.

Về phía Chính phủ của các quốc gia:

Chính phủ của các quốc gia đang rất đau đầu để giải quyết bài toán có nên chấp nhận “tiền mã hóa” được coi là một loại tài sản mới, có thể để sử dụng để trao đổi với nhiều loại tài sản sẵn có khác? Nếu chấp nhận thì quản lý các giao dịch sử dụng tiền mã hóa như nào để phòng chống nguy cơ rửa tiền, tài trợ khủng bố? Các loại thuế liên quan đến tiền mã hóa quy định thế nào? Làm thế nào để có thể làm tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước khi việc kiểm soát đồng tiền này khó khăn và không qua bất kỳ trung gian thanh toán nào cả?

Hiện nay, có rất ít quốc gia ban hành văn bản quy phạm pháp luật riêng về tiền sản mã hóa (như Nhật, Thái Lan). Một số quốc gia cấm hoàn toàn hoặc hạn chế sử dụng tiền mã hóa (Trung Quốc, Algerria…). Nhiều quốc gia khác đang xem xét thiết lập khung pháp lý điều chỉnh các hành vi sử dụng, trao đổi tiền mã hóa nhằm bảo vệ người sử dụng, chống gian lận, lừa đảo và các hành vi rửa tiền, tài trợ khủng bố (như Mỹ, EU, Australia, Singapore…).

Trong số đó, điển hình như 3 quốc gia Nhật Bản, Mỹ, Singapore đã chủ động nghiên cứu, sớm đưa khung pháp lý tương đối hoàn chỉnh, điều chỉnh các nội dung liên quan đến tiền mã hóa.

Về phía người sử dụng tiền mã hóa:

Tiền mã hóa ngoài việc được sử dụng như một phương tiện thanh toán thì rất nhiều người đầu tư vào tiền mã hóa với chức năng tích trữ giá trị như các tài sản khác. Tuy nhiên việc đầu tư vào tiền mã hóa rất khó dự đoán vì biên độ dao động giá của tiền mã hóa là rất lớn. Điều này gây rủi ro cho người nắm giữ vì đồng tiền có thể rớt giá rất mạnh. Ngoài ra, việc chưa phổ biến đồng tiền này và chưa được nhiều Chính phủ chấp nhận nên tính thanh khoản chưa cao.

Về mặt công nghệ việc sử dụng tiền mã hóa vẫn có nhưng rủi ro, đó là rủi ro hệ thống. Tiền mã hóa sẽ gặp rủi ro bị biến mất nếu gặp trường hợp hư ổ cứng, mất dữ liệu, virus,… Người nắm giữ không thể khôi phục lại số tiền mã hóa đã mất. Và về cơ bản, tiền mã hóa là một thuật toán, mặc dù nó là một thuật toán tinh vi, phức tạp, nhưng nó vẫn sẽ có những hạn chế. Chính vì vậy, hiện nay hàng ngàn nhà nghiên cứu đang cố gắng cải thiện các thuật toán và trong ba năm qua, các tính năng mới đã liên tục được phát triển.

Kết luận

Tại nhiều quốc gia trên thế giới, tiền mã hóa mặc dù không được công nhận hợp pháp nhưng nó vẫn tồn tại và các giao dịch liên quan (như giao dịch mua bán trên các sàn giao dịch, huy động vốn phát hành lần đầu tiền mã hóa,…) vẫn diễn ra. Các hoạt động liên quan tới tiền mã hóa tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với người tham gia giao dịch, tạo cơ hội cho các vụ lừa đảo, chiếm đoạt xảy ra. Tuy nhiên, việc thiết kế, ban hành chính sách tài chính – tiền tệ của các Chính phủ đối với tiền mã hóa còn nhiều thách thức, chưa có cơ sở để thực hiện. Sự phổ biến của tiền mã hóa như một phương tiện thanh toán sẽ làm giảm tính hiệu quả trong việc thực thi chính sách tiền tệ. Bên cạnh đó, tiền mã hóa làm tăng nguy cơ rửa tiền và tài trợ khủng bố, đe dọa an ninh tài chính quốc gia. Trước những thách thức đặt ra từ sự phát triển và ngày càng phổ biến của tiền mã hóa, việc sớm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý liên quan tới tiền mã hóa, công nhận tính pháp lý của tiền mã hóa như một loại hàng hóa là cần thiết, nhằm tạo cơ sở cho việc thiết kế và thực thi các chính sách tài chính – tiền tệ đối với loại tài sản này./.

Hà Linh