Thành công với nghề Kế toán – Kiểm toán

Kế toán,  kiểm toán hiện đang là một ngành rất hot và là ngành học được sinh viên lựa chọn khá phổ biến nên số lượng nhân lực cho ngành này tương đối nhiều trên thị trường Vậy vì sao hiện nay, số lượng tân cử nhân kế toán đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyển lại vô cùng hiếm? Để giải đáp cho câu hỏi này, các sinh viên nên tự đặt câu hỏi cho chính bản thân mình rằng mình đã thực sự là một sinh viên ngành kế toán của thời kỳ 4.0 hay chưa ?

Nếu chưa, hãy xây dựng cho mình một kế hoạch cần và đủ ngay từ khi mới vào Đại Học. Kế hoạch này bắt đầu bằng việc đưa ra mục tiêu, rồi sắp xếp theo thứ tự ưu tiên và sau đó là kế hoạch hành động.  Kế hoạch bao gồm một số điểm chính:

  • Con đường nghề nghiệp
  • Học tập chứng chỉ
  • Trải nghiệm cuộc sống: du lịch, tham gia hoạt động…

Con đường nghề nghiệp

Trước hết, mỗi bạn nên xác định cho mình một lộ trình nghề nghiệp rõ ràng để biết bạn sẽ phải chuẩn bị và làm những gì sau khi ra trường. Tại một doanh nghiệp thông thường, phòng kế toán có thể chia thành 2 loại : kế toán quản trị và kế toán tài chính. Dưới đây là lộ trình nghề nghiệp của một kế toán viên trong doanh nghiệp:

Kế toán phần hành =>Kế toán tổng hợp => Kế toán trưởng/ CFO

Học tập chứng chỉ

Kiến thức chuyên môn: Đây là điều kiện tiên quyết vì dù bạn có thi tuyển vào bất cứ đâu thì nếu không có kiến thức, mọi yếu tố khác đều là con số 0. Ngoài các kiến thức trên trường lớp thì bạn nên trau dồi thêm cho bản thân bằng cách tiếp cận với các khoá học kế toán thực tế và các chứng chỉ kế toán quốc tế như ACCA, ICAEW CPA, VACPA, CMA,.. nếu bạn muốn làm việc tại một doanh nghiệp lớn hoặc doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài

Nâng cao kỹ năng tin học: Kế toán là người làm việc với những con số, bảng biểu trên máy tính. Đặc biệt, làm ở những công ty lớn, kế toán cần phải xử lý những dữ liệu khổng lồ,vì vậy tập làm quen và sử dụng thành thạo các phần mềm kế toán là vô cùng quan trọng. Các phần mềm kế toán phổ biến hiện nay là: Misa, Fast, SAP, ERP,…

Học thêm ngoại ngữ: Điều quan trọng ở đây là cần phải biết là nhà tuyển dụng và công việc mình apply yêu cầu gì về tiếng anh (T.A chuyên ngành, Speaking, Writing) để có sự chuẩn bị đúng đắn, vì giữa Tiếng Anh thi tuyển dụng và Tiếng Anh chứng chỉ IELTS, TOEIC có một khoảng cách nhất định. Thời điểm phù hợp nhất để chuẩn bị tiếng anh là năm 1, năm 2. Khi còn là những bạn sinh viên năm 1, năm 2 thì đừng nên để bẵng một mùa hè quý báu trôi qua và tự nhủ rằng mình vẫn còn thời gian. Hãy tìm phương pháp học Tiếng Anh đúng đắn và bắt đầu càng sớm càng tốt, bởi đến năm 3, khối lượng kiến thức chuyên ngành lớn cộng với áp lực từ việc chuẩn bị tiếng anh muộn, tiếng anh kém hơn so với các bạn cùng lứa sẽ khiến bạn rất dễ chán nản và stress. Việc bạn sở hữu một chứng chỉ tiếng anh Ielts, Toeic với số điểm cao là một điểm cộng rất lớn trong đánh giá của các nhà tuyển dụng, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Trải nghiệm cuộc sống: du lịch và tham gia hoạt động

Các bạn còn trẻ, nên sắp xếp để tham gia một CLB hoặc một hoạt động xã hội nào đó. Tranh thủ đi du lịch càng nhiều càng tốt để mở mang tầm mắt cũng như xả stress và ngắm nhìn thế giời ngoài kia đang không ngừng vận động.