Siêu lạm phát có thể hiểu nôm na là tình trạng lạm phát cao, có tác động phá hoại nền kinh tế nghiêm trọng. Thông thường, tốc độ tăng giá chung ở mức 3 chữ số hàng năm thì gọi là siêu lạm phát. Khi có siêu lạm phát, tiền mất giá nghiêm trọng, và lượng cầu về tiền tệ giảm đi đáng kể.
Tại các nước từng trải qua siêu lạm phát, các ngân hàng trung ương thường in tiền có mệnh giá lớn hơn và lớn hơn thế nữa, khiến các tờ tiền mệnh giá nhỏ trở nên vô giá trị. Điều này sẽ dẫn đến sự xuất hiện của các tờ tiền có mệnh giá 1 tỷ đơn vị tiền tệ hoặc hơn.
Hiện tại, trên thế giới Venezuela là nước đang phải đối mặt với siêu lạm phát. Năm 2020 là năm thứ 7 liên tiếp quốc gia giàu dầu mỏ này rơi vào suy thoái. Quốc gia này đang phải hứng chịu tình trạng lạm phát phi mã, theo báo cáo đã chạm mức 3.000% vào năm ngoái.
Hồi cuối tháng 4/2020, Chính phủ của Tổng thống Nicolas Maduro đã tăng 77,7% mức thu nhập tối thiểu cho người dân nước này, bao gồm cả lương cơ bản và gói trợ cấp lương thực. Song đến nay, khoản thu nhập này chỉ tương đương với khoảng 2,8 USD, không đủ để mua 1kg thịt lợn. Đồng tiền quốc gia bolivar như tờ giấy lộn, mang một đống tiền chỉ có thể mua được một cuộn giấy vệ sinh, hoặc một cân cà rốt, hoặc một con gà…
Nguyên nhân gây ra lạm phát ở Venezuela có thể kể ra như sau:
Thứ nhất, là một trong những nước có trữ lượng dầu lớn nhất thế giới, 90% thu nhập tài chính của Venezuela đều dựa vào xuất khẩu dầu. Tuy nhiên, nền kinh tế của Cộng hòa Bolivar Venezuela đã phải chịu nhiều sức ép lớn trong những năm gần đây, khi Mỹ giáng đòn trừng phạt vào nước này, đã gia tăng biện pháp phong tỏa về kinh tế, thương mại và tài chính đối với Venezuela. Việc xuất khẩu dầu mỏ trở nên khó khăn, nguồn thu cho ngân sách suy giảm nghiêm trọng. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 vẫn đang hoành hành thì nền kinh tế của Venezuela khủng hoảng lại càng khủng hoảng, các dịch vụ cơ bản như vận tải, điện, nước sinh hoạt bị thiếu hụt, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân.
Thứ hai, Venezuela không có mạng lưới sản xuất đa dạng có khả năng chế tạo các sản phẩm đủ chủng loại, đủ mầu sắc… mà chỉ tập trung vào các lĩnh vực sơ cấp, các ngành công nghiệp và dịch vụ thứ yếu. Vì vậy, người Venezuela phải mua gần như một nửa nhu yếu phẩm từ nước ngoài. Bên cạnh đó, các công ty nhập hàng hóa từ nước ngoài thường thanh toán theo tỉ giá hối đoái chính thức, nhưng họ lại bán ra thị trường nội địa theo tỉ giá không chính thức. Vì vậy, họ vừa thu lợi từ tiền chênh lệch vừa khiến giá cả tăng giả. Đây là yếu tố chính giải thích tình trạng giá cả tăng chóng mặt tại Venezuela, đặc biệt là vào cuối năm 2017: chỉ trong vòng hai tháng, từ 3.000 bolivar đổi được 1 đô la lên thành 52.000 bolivar một đô la.
Thứ ba, người dân không tin vào đồng tiền quốc gia. Đồng bolivar của Venezuela thực sự chưa bao giờ được ưa chuộng ở trong và ngoài nước vì từ trước đến giờ, đồng tiền của Venezuela vẫn bị mất giá nghiêm trọng và ngày càng bị sụt giá so đồng tiền quy chiếu truyền thống là đô la Mỹ. Điều này lại càng thôi thúc người dân Venezuela không muốn giữ tài sản vốn được định giá bằng bolivar và thay chúng bằng tài sản định giá bằng đô la. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến việc đồng bolivar mất giá. Nền kinh tế bị đô la hóa, giá cả tăng thông qua nhập khẩu là những yếu tố cho thấy chính quyền bất lực trong việc bắt sử dụng đồng tiền quốc gia.
Nguồn: Tổng hợp
Giống VN cách đây khoảng 30 năm
Điều này sẽ còn đúng với nhiều quốc gia nữa.